Âm nhạc thời kỳ hiện đại – chỉ riêng những từ này có thể cũng đủ làm bạn chạy xa cả dặm. Đúng, để nghe được âm nhạc thời kỳ hiện đại có thể cần nhiều nỗ lực hơn một chút so với âm nhạc ở những thời kỳ trước đó. Có nhiều chất liệu thú vị để khám phá. Đầu thế kỷ 20 là mốc thời gian đánh dấu sự thay đổi nhanh chóng. Công nghệ đang thay đổi thế giới. Những nghệ sĩ, những nhà văn, những nhạc sĩ và những người biểu diễn bắt đầu phản ánh những thay đổi thông qua tác phẩm họ đưa ra. Và ngay lúc xã hội đang loại bỏ những quy tắc lâu đời đã thống trị trong nhiều thế kỷ, những nhà soạn nhạc đã đảo lộn những quy tắc âm nhạc và tìm ra những đề tài mới, táo bạo và những cách thức mới để thể hiện chúng.

Ở Vienna, có một nhóm trong đó đứng đầu là Arnold Schoenberg cho rằng điệu tính đang trên đường được khai thác hết và quyết định từ bỏ nó. Điệu tính là một thứ tự logic trong đó những hợp âm và hòa âm trong âm nhạc ăn khớp với nhau. Từ bỏ nó có nghĩa là từ bỏ quan niệm rằng âm nhạc cần phải đẹp. Nhiều nhà soạn nhạc theo lối cũ nghi ngờ chủ nghĩa hiện đại nếu nó hàm ý những quan niệm cấp tiến như thế. Rachmaninov tiếp tục soạn nhạc theo phong cách lãng mạn, giàu đặc trưng của riêng mình cho tới tận những năm 1940. Những người khác, Sibelius chẳng hạn, cảm thấy bị bỏ lại phía sau và đơn giản là ngừng sáng tác.

Những nhà soạn nhạc thành công nhất là những người tìm được một nền tảng ở giữa – đi theo sự thay đổi trong khi vẫn phù hợp với cái nhìn của chính mình và giữ được tình cảm với thính giả. Richard Strauss bước vào những năm 1890 với một phong cách lãng mạn. Ông đã trở thành một trong những nhà soạn nhạc lớn nhưng vẫn chuyển sang chủ nghĩa hiện đại. Ông thu nhận một phiên bản mờ nhạt những ý tưởng của Schoenberg và tạo ra một sự dàn xếp có thể là thử thách để nghe nhưng cũng dễ dàng để có thể hiểu được.

Igor Stravinsky đã gây sốc và làm cho những thính giả vui thích trong suốt 70 năm sự nghiệp của ông. Những tác phẩm nối tiếng đầu tiên của ông là một loạt 3 vở ballet viết tại Paris cho đoàn Ballets Russes – The Firebird (Chim lửa), Petrushka và Rite of Spring (Lễ bái Xuân). Những âm thanh này hiện đại bởi việc sử dụng sự truyền động, nhịp điệu “máy móc” của chúng, phần nhiều trong số chúng chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc dân gian Nga. Stravinsky cũng sử dụng một phong cách hòa âm mới mẻ, đặt những hợp âm khác lên trên một hợp âm khác nữa. Âm thanh tươi mới nhưng chưa bao giờ xa lánh người nghe. Stravinsky tiếp tục là một trong những nhà soạn nhạc thành công nhất của thế kỷ 20.

Âm nhạc dân gian cũng là một nguồn cảm hứng lớn cho nhiều nhà soạn nhạc khác. Tại nước Anh, Vaughan Williams trộn lẫn những âm thanh của những bài hát truyền thống và âm nhạc nhà thờ với những tàn dư của thời kỳ lãng mạn. Nhà soạn nhạc người Hungary Béla Bartók, giống như Stravinsky, đã viết thứ âm nhạc độc đáo dựa trên những nhịp điệu dân ca tiết tấu nhanh của đất nước quê hương. Cả Vaughan Williams và Bartók đều tích cực tập hợp những bài ca dân gian, viết chúng ra hoặc ghi âm chúng lại. Một nhà soạn nhạc khác là Messiaen lại sưu tầm những tiếng chim hót mà sau này ông sử dụng trong âm nhạc của mình.

Chắc chắn là âm nhạc chịu ảnh hưởng lớn bởi những sự kiện chính trị quan trọng làm rung chuyển châu Âu vào giữa thế ký 20. Nhiều nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn bị chuyển tới những trại tập trung Quốc xã vì những lý do lòng tin, tôn giáo hay chủng tộc. Và ở Liên bang Soviet, gọng kìm thép của Stalin lên xã hội có nghĩa rằng những nhà soạn nhạc như Prokofiev, Shostakovich và Khachaturian bị nhiều hạn chế trong những gì họ có thể làm.

Shostakovich nói riêng, đã từng bị chế độ Soviet ngược đãi khi âm nhạc của ông bị cho là quá “hiện đại” hay “élitist” (tin vào thuyết giáo dục phát triển tinh hoa). Kết quả là ông phải gượng gạo viết theo hai lối – những tác phẩm giao hưởng lớn và nhạc phim của ông có lẽ để làm hài lòng cơ quan thẩm quyền, trong khi đó những tác phẩm quy mô nhỏ hơn như những tứ tấu đàn dây xuất sắc của ông có lẽ phản ánh đúng hơn tiếng nói của riêng mình. Chúng ta chỉ có thể suy đoán điều này bởi vì Shostakovich qua đời trước khi thời đại Soviet kết thúc, mà có thể sau đó ông sẽ tự do để giải thích âm nhạc của mình một cách đầy đủ.

Đời sống chính trị và chiến tranh ở châu Âu đã khiến nhiều nhà soạn nhạc như như Stravinsky, Bartók, Schoenberg và Rachmaninov chuyển đến Mỹ. Điều này tạo ra một nơi tụ họp lạ thường những đầu óc tài năng, và những nhà soạn nhạc lớn người Mỹ đầu tiên như Aaron Copland và Samuel Barber xuất hiện, sáng tác với một phong cách mới, kết hợp những yếu tố văn hóa từ châu Âu và châu Mỹ. Theo cách giống như các đồng nghiệp châu Âu sử dụng âm nhạc dân gian, những nhà soạn nhạc Mỹ bắt đầu sử dụng chất liệu nhạc jazz bản xứ của mình. George Gershwin và sau đó là Duke Ellington bắt đầu viết ra thứ âm nhạc “nghiêm túc” để biểu diễn trong phòng hòa nhạc. Những người châu Âu như Stravinsky và Ravel đáp lại bằng thứ âm nhạc cũng bao hàm cả những phong cách jazz như Ebony Concerto của Stravinsky và Piano Concerto của Ravel.

Sự khủng khiếp của nạn tàn sát người Do Thái, Hiroshima và chiến tranh thế giới thứ II đã thuyết phục nhiều nhà soạn nhạc thời hậu chiến rằng hơn bao giờ hết, họ cần đặt quá khứ đằng sau và tìm những phương pháp tiên tiến hơn. Chẳng hạn, Structures (1951) của Pierre Boulez có mọi yếu tố của âm nhạc – giai điệu, nhịp điệu, thậm chí cả yếu tố êm ả-inh ỏi (loud-and-soft) theo điều khiển của toán học. Một nhà soạn nhạc khác là John Cage lại đòi hỏi thính giả của mình cân nhắc lại những quan niệm của họ về vẻ đẹp của những âm thanh tự nhiên. Ông đã viết tác phẩm nổi tiếng mang tên 4’33’’ (4 phút 33 giây) với thời lượng chính xác như vậy nhưng chỉ là sự yên lặng hay là những âm thanh bao quanh một phòng hòa nhạc, nếu bạn muốn nhìn nhận theo cách đó.

Một số tác phẩm tiêu biểu thời kỳ hiện đại:

Stravinsky: The Rite of SpringThe Firebird
Bartók: Concerto for Orchestra
Strauss: Four Last Songs
Gershwin: Piano Concerto, Porgy and Bess
Bernstein: Candide
Copland: Appalachian Spring, Fanfare for the Common Man
Shostakovich: Symphony No. 5; Piano Concerto No. 2
Prokofiev: Romeo and Juliet

Nguyễn Võ Lâm dịch