Âm nhạc đầu thời kì Trung cổ
Tranh vẽ 1 lễ hội thời kỳ trung cổ ở Châu Âu
Ở thời Trung cổ, hầu hết các nhạc sĩ chuyên nghiệp đều được nhà thờ Cơ đốc giáo tuyển dụng. Vì đối lập với ngoại giáo liên quan đến Hi Lạp và La Mã cổ đại nên nhà thờ không khuyến khích việc biểu diễn âm nhạc Hi Lạp và La Mã. Hậu quả là loại âm nhạc này bị tàn lụi.
Người ta biết rất ít về thể loại thánh ca không nhạc đệm được sử dụng trong những nghi lễ nhà thờ thời kỳ đầu. Tuy nhiên thể loại thánh ca Cơ đốc giáo xuất hiện được bắt nguồn từ âm nhạc lễ nghi của đạo Do Thái và những giai điệu thế tục thời đó. Những giai điệu thánh ca phát triển ở Roma được sáng tác và ấn định cho những trình tự cụ thể trong những nghi lễ nhà thờ trong thời kỳ từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 7. Thánh ca La Mã được biết tới như thánh ca Gregorian theo tên của Giáo hoàng Gregory, giáo hoàng Vĩ đại, người có thể đã sáng tác một số giai điệu và là người tích cực khuyến khích các nhà thờ sử dụng âm nhạc được lễ nghi hóa theo thứ tự. Vì Gregory và các giáo hoàng về sau ưa thích thánh ca Gregorian hơn những thể loại khác đã phát triển ở châu Âu, thánh ca Gregorian cuối cùng đã thế chỗ cho hầu hết những thể loại khác. Phong cách thánh ca Gregorian và các thể loại thánh ca khác được gìn giữ trong nhiều bản thảo viết tay. Các ký hiệu âm nhạc được sử dụng trong những bản thảo viết tay này thuộc hệ thống ký hiệu neumes , cội rễ sớm nhất của hệ thống ký hiệu âm nhạc hiện đại.
Ít nhất cũng phải đến thế kỉ thứ 9 nhiều nhạc sĩ mới cảm thấy sự cần thiết phải có một thứ âm nhạc phức tạp hơn kiểu giai điệu không nhạc đệm. Họ bắt đầu thêm vào bè giọng hát được hát đồng thời với những đoạn của thánh ca. Kết quả là sự ra đời của phong cách âm nhạc gọi là organium (hình thức âm nhạc phức điệu sớm nhất). Trong phong cách organium thời kỳ đầu, bè giọng hát được thêm vào chạy song song một cách đơn giản với giai điệu thánh ca nhưng được hát trên đó một quãng tư hay quãng năm. Về sau bè thêm vào trở thành một giai điệu đối âm độc lập. Organium có vị trí quan trọng trong lịch sử âm nhạc vì đó là bước đầu tiên hướng tới sự phát triển của kết cấu âm nhạc được biết đến là phức điệu (polyphony), việc sử dụng nó ở phạm vi rộng là đặc trưng nổi bật nhất của âm nhạc phương Tây.
Vào khoảng cuối thế kỉ 12, organium được viết theo ba hoặc bốn bè giọng hát, hình thành những tác phẩm dài có thể choán đầy không gian rộng lớn của những nhà thờ Gothic bằng âm lượng lớn. Những trung tâm phát triển chính của organium là ở Pháp, tại Tu viện Saint Martial ở Limoges và tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Kỹ thuật organium kiểu Anh, gọi là gymel, đến giai đoạn này cũng đã phát triển.
Để các nhạc sĩ có thể đọc và biểu diễn một số bè giọng hát khác nhau một cách đồng thời, một hệ thống ký hiệu âm nhạc tỉ mỉ đã được phát triển. Ký hiệu cao độ được giải quyết bằng việc sử dụng một khuông nhạc gồm 4, 5 dòng kẻ hoặc hơn thế, với mỗi dòng hay khoảng trống giữa chúng đại diện cho một cao độ cụ thể, như là ký hiệu âm nhạc ngày nay. Sự hoàn hảo của hệ thống này là nhờ ở tu sĩ Ý dòng Benedictine Guido d’Arezzo thế kỉ 11. Ký hiệu về nhịp thời gian tỏ ra khó hơn. Giải pháp được rút ra trong thế kỉ 11 và 12 là dựa vào một nhóm những mẫu hình nhịp điệu ngắn gọi là những kiểu nhịp. Mẫu hình hay kiểu nhịp tương tự được lặp đi lặp lại cho đến khi nhà soạn nhạc chỉ ra bằng một kí hiệu theo đó một kiểu nhịp khác thế chỗ nó. Nhờ việc sử dụng “ký hiệu cách thức” này trong âm nhạc, một sự đa dạng các chương nhịp đạt được bằng cách sử dụng những kiểu khác nhau một cách đồng thời trong các bè giọng khác nhau và bằng cách thay đổi các kiểu trong tiến trình một tác phẩm. Đến cuối thế kỉ 13 người ta đã bỏ kiểu ký hiệu cách thức và những ký hiệu đầu tiên của hệ thống những giá trị nốt dài và ngắn hiện đại đã được đưa vào sử dụng.
Organum là một bước phát triển âm nhạc phức tạp ban đầu được những giáo sĩ có trình độ trong nhà thờ Cơ đốc giáo khuyến khích và đánh giá cao. Một truyền thống âm nhạc thế tục, đơn giản hơn trong cấu trúc, đã tồn tại bên ngoài nhà thờ. Đây là thứ nhạc đơn âm của các nhạc sĩ lưu động, những người hát rong và con cháu họ, những người hát rong Pháp và Đức.
Cả âm nhạc tôn giáo và thế tục đều sử dụng nhiều loại nhạc cụ, gồm các đàn dây như lyre, psaltery và fiddle thời trung cổ, hoặc đàn viele. Các nhạc cụ phím gồm cả organ. Các nhạc cụ gõ gồm cả trống nhỏ và chuông nhỏ.
Âm nhạc cuối thời kì Trung cổ
Một sự thay đổi lớn về phong cách xảy ra trong âm nhạc suốt đầu thế kỉ 14. Phong cách mới được giáo sĩ cấp cao người Pháp Philippe de Vitry, một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của thời kỳ này, gọi là ars nova (tiếng Latin nghĩa là “nghệ thuật mới”). Kết quả là âm nhạc thời kỳ này phức tạp hơn mọi tác phẩm được viết trước đó, phản ánh một tinh thần mới ở châu Âu làm nổi bật sự tài tình và khéo léo của con người. De Vitry cũng tìm ra một hệ thống gồm cả những kí hiệu về thời gian. Điều này cho phép các nhạc sĩ thế kỉ 14 đạt được một sự tự do về nhịp điệu mới trong sáng tác của họ.
Những phức tạp mới mang một số hình thức. Nới rộng nguyên tắc của những thể thức nhịp ngắn, các nhà soạn nhạc ars nova đã sử dụng những mẫu hình nhịp gồm 12 nốt hoặc nhiều hơn mà chúng lặp đi lặp lại trong một hoặc nhiều bè giọng của tác phẩm. Nguyên tắc mới được gọi là nhịp tương tự (isorhythm, trong tiếng Hi Lạp iso nghĩa là “tương tự”). Các nhà soạn nhạc đã sử dụng một bè giọng được sắp xếp tương tự về nhịp như nền tảng của các tác phẩm lớn và đan kết những giai điệu lên đó để trình bày những ý đồ đa thanh phức tạp. Giọng nền thường được tiếp quản từ một phần của thánh ca Gregorian. Giai điệu vay mượn này được biết đến là cantus firmus (tiếng Latin nghĩa là “giai điệu cố định”. Thể loại âm nhạc trong đó các nhà soạn nhạc sử dụng nguyên tắc nhịp tương tự với mức độ lớn nhất là motet (tạm dịch là thánh ca ngắn). Một số motet, thêm vào sự phức tạp về cấu trúc còn có một số lời ca được hát một cách đồng thời.
Điều phức tạp thứ hai của ars nova liên quan đến cấu trúc tổng thể của âm nhạc được viết cho thể loại mass (thánh ca). Trước năm 1300, những tác phẩm phức điệu đôi khi đã được viết thành những phần riêng rẽ của mass. Vào thế kỉ 14, lần đầu tiên, cả năm phần cấu tạo nên một mass như thông lệ được xem như một tổng thể hòa nhập. Người đầu tiên làm điều này là giáo sĩ, nhà thơ và nhà soạn nhạc Pháp Guillaume de Machaut. Tuy nhiên tiền lệ của ông không được đi theo cho đến tận thế kỉ tiếp đó.
Một đặc trưng nổi bật của ars nova là sự quan tâm hơn đến âm nhạc thế tục. Lần đầu tiên những nhà soạn nhạc lớn đã viết cả nhạc thế tục và nhạc tôn giáo. Những giai điệu không được phối hòa âm mà những người hát rong thế kỉ 13 hát đã được các nhà soạn nhạc thế kỉ 14 phát triển thành những tác phẩm ba giọng gọi là chanson (tiếng Pháp nghĩa là “bài ca”). Những mẫu hình lặp lại dòng trong lời ca áp dụng cho những chanson này quyết định hình thức tổng thể của âm nhạc. Các hình thức phối hợp thường được sử dụng nhất ở Pháp là rondeau, virelai và ballade. Ở nước Ý madrigal, caccia và ballata là những kiểu được ưa thích hơn. Nhà soạn nhạc Ý nổi bật nhất thời kỳ này là Francesco Landini.
Link bài gốc : https://nhaccodien.vn/thoi-ki-trung-co-truoc-the-ki-thu-15/
Ngọc Anh (nhaccodien.info) dịch